
Noi gương đức Thích Ca năm nào, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ tất cả nhưng cuối cùng Ngài đã được tất cả. Cái ‘được’ của Ngài là ‘được nhìn lại chính mình’, vượt thắng những cảm xúc tạm bợ tầm thường, phá nát màng cứng vô minh để sống với nguồn sáng trí tuệ lung linh huyền ảo. Đó là bậc bừng khai tuệ giác, nhận ra vạn hữu vũ trụ trên thế gian này, chỉ vỏn vẹn hai chữ ‘sắc-không’.
Ngày hết Tết đến, mọi người dường như đang bị thời gian cuốn trôi thúc đẩy, không chỉ ngoài đời mà ngay cả nơi chốn Thiền môn. Gương mặt của những thành phần ‘thiếu trước hụt sau’ hiện rõ những nỗi lo toan khốn đốn, nhọc nhằn, tất bật. Ôi, cũng một kiếp người, sao có lắm kẻ phải chịu những khổ nhọc đắng cay, không có thời gian ngơi nghỉ?
Hơn 35 năm trước, tôi nhớ, hồi còn dưới quê, khoảng 20 tháng 12 âm lịch, trong chùa lớn nhỏ gì đều phải lo toan bận rộn, làm việc gấp mấy lần ngày bình thường. Mỗi người được phân công một việc, tùy theo sức khỏe và tuổi tác. Nhưng nếu ai làm xong công việc của mình rồi thì phải lãnh phần khác hoặc quay sang phụ giúp những huynh đệ còn đang dang dở.
Chùa xưa hầu như năm nào cũng phải sửa soạn quét vôi ăn Tết. Vì không sửa soạn quét vôi, sợ bổn đạo nói trong chùa không được siêng năng. Vả lại, năm nào gần Tết, chư thiên cũng dẫn đến vài ba gia đình phát tâm cúng dường tịnh tài mua vôi mua cọ. Tình thế ‘bất khả kháng’ làm sao sư phụ từ chối được!
Nơi đây, công việc thật nhiều, nhưng năm nào tôi cũng được giao nhiệm vụ quét vôi, lau rửa bàn thờ và bài vị-bài vị của nhà tổ và bài vị của những bàn vong, khoảng bốn năm huynh đệ rửa cả ngày chưa chắc xong. Nhiều khi tôi tự hỏi, Tết làm chi để thêm phiền phức, mỏi mệt. Đi tu là để thoát khỏi những lo toan cơm áo gạo tiền, đua chen danh lợi, mong có được đời sống thanh thản nhẹ nhàng, nhưng sao vô chùa lại bị vướng bận quá nhiều công việc như vậy. Đó là lối suy nghĩ ‘con nít’ thời ‘ăn chưa no lo chưa tới’ còn quá hẹp hòi ích kỷ, ấu trĩ cạn cợt. Sau này lớn lên, những ý nghĩ như vậy không còn trong đầu tôi nữa. Những ngày Tết, nhìn người lũ lượt đến chùa viếng cảnh, vui tươi hạnh phúc, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc tươi vui trong lòng. Đó là sự đền bù, là món quà vô giá cho những ai phục vụ Tam bảo!
Thuở nhỏ, không ai trong đời một lần hay nhiều lần nếm trải những hớn hở vui mừng, háo hức mong chờ ngày hết Tết đến. Gương mặt ngây thơ và đầu óc non nớt của tuổi trẻ hồn nhiên, trông chờ là những chiếc áo đẹp, những đôi dép mới, những bao lì-xì đỏ trong niềm hạnh phúc vô tư! Thiên đàng của tuổi trẻ phải chăng là những ngày Tết? Cõi thiên đàng có còn không khi con người phủ thêm vài lớp bụi thời gian? Tuổi chồng chất, nhiều lo toan bận rộn, nhiều tham vọng mong cầu bắt đầu xuất hiện. Người lớn thường đón Tết bằng những nỗi niềm đắng cay, lo toan sầu khổ hòa lẫn biết bao bất hạnh khổ đau!
Trong kho tàng văn học Phật giáo Việt nam, không ít những bài thơ của liệt vị Thiền sư đạt đạo đã diễn tả nhãn quan của mình về mùa xuân, như một lời khai thị, một bài pháp hùng hồn sống mãi với mùa xuân. Một trong số đó, phải kể đến bài “Xuân Vãn” của ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Niên thiếu hà tằng liễu sắc-không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàn diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
Thiện Hữu tạm dịch:
Tuổi trẻ chưa từng hiểu sắc-không
Xuân về hoa nở tận cõi lòng
Nay ta nhìn kỹ mùa xuân mới
Trải chiếu ngồi yên với núi sông!
Lịch sử hình thành và phát triển dân tộc Việt nam gắn liền với sự thịnh suy hưng hiển của đạo Phật Việt nam, nhất là thời đại Lý-Trần. Một thời đại tuy hào hùng oanh liệt, nhưng lại khốn đốn lao đao, tốn hao biết bao xương trắng máu đào, vun đắp nền độc lập thịnh cường cho quê hương đất nước. Dân tộc Việt nam đã nhiều lần chận đứng âm mưu bành trướng của các thế lực phương Bắc, họ có đủ lợi thế về sức mạnh quân sự và sức mạnh ‘biển người’. Đây là lịch sử của một thời mà việc giữ an bờ cõi, đạo đức cường thịnh và hòa hợp dân tộc được áp dụng một cách thành công nhất!
Nói đến lịch sử dân tộc ta phải nói đến lịch sử của những minh quân, lương tướng, dũng tướng, những Thiền sư, quốc sư, đã lèo lái con thuyền đất nước. Những thành phần này, không phải chỉ có thiên tài an bang tế thế, mà còn có tâm đức chẳng màng lợi danh, không bị ô nhiễm bởi vương quyền thế vị. Quý Ngài đã nhường hết những sắc tướng âm thinh mộng ảo cho nhân gian, một lòng chí thành quyết tâm dấn thân theo con đường giác ngộ giải thoát!
Khi chưa rõ lẽ đạo, con người chạy theo hai chữ sắc-không mà không ngừng đấu đá tranh giành, đạp đổ lẫn nhau. Chỉ vì hai chữ sắc-không mà con người có thể quên hẳn đường về, đánh mất quê hương tâm thức của chính mình!
Khi chưa rõ lẽ đạo, cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, Điều Ngự Giác Hoàng vẫn háo hức đua đòi áo gấm quần lụa, bao lì-xì đỏ hay mong đợi ngắm nhìn những màn múa lân đốt pháo vào dịp Tết đến xuân về. Khi chưa hiểu sắc-không tan hợp của thế gian thường tình, vua Trần Nhân Tông cũng buồn bã lặng nhìn mùa xuân đi qua, những đóa mai vàng rơi lã chã, và những khô héo tàn phai của năm tháng chua cay trước cuộc lữ mong manh.
Khi còn trẻ tuổi bôn ba gánh vác trọng vụ thiêng liêng đất nước, bậc đế vương như Ngài làm gì có thời gian để ngồi yên lắng tịnh tâm. Thời gian qua rồi không kéo lại được, những gì thơ mộng hồn nhiên của tuổi hoa niên không còn khi bóng xế chiều tà, nên Ngài tự tiếc nuối bằng tiếng thở than:
Tuổi trẻ chưa từng hiểu sắc-không
Xuân về hoa nở tận cõi lòng
Còn hình ảnh nào cao đẹp bằng một người lúc còn trẻ trung đã cống hiến tinh hoa trí tuệ cho xã tắc sơn hà. Đến khi quốc gia độc lập, thịnh cường thì người đó tình nguyện nhường ngôi thoái vị cho giới trẻ tài đức.
Còn hình ảnh nào hùng tráng trang nghiêm bằng bậc đế vương từng ngồi trên tuyệt đỉnh vinh hoa phú quý, mà dám từ bỏ tất cả để trở thành kẻ bần hàn, chấp nhận cuộc đời “nhất bát thiên gia phạn”.
Còn hình ảnh nào thánh thiện thiêng liêng bằng một người luôn được kính nể tung hô, tiền hô hậu ủng của muôn vạn người, mà dám phủi sạch trắng tay làm kẻ “cô thân vạn lý du’.
Noi gương đức Thích Ca năm nào, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ tất cả nhưng cuối cùng Ngài đã được tất cả. Cái ‘được’ của Ngài là ‘được nhìn lại chính mình’, vượt thắng những cảm xúc tạm bợ tầm thường, phá nát màng cứng vô minh để sống với nguồn sáng trí tuệ lung linh huyền ảo. Đó là bậc bừng khai tuệ giác, nhận ra vạn hữu vũ trụ trên thế gian này, chỉ vỏn vẹn hai chữ ‘sắc-không’.
Trước và sau vẫn một con người, nhưng nay là con người của giác ngộ, chứng đạo. Trước và sau vẫn một trái tim, nhưng nay là trái tim trinh thành, nguyên vẹn không vướng bận những rộn ràng của mùa xuân thế tục. Những đua chen danh lợi từ đây chấm dứt, những sắc tướng âm thinh không còn cơ hội phát sinh, con người tĩnh tại an nhiên và từ đó tâm thiền xuất hiện. Ngài đã thong dong tiêu sái trước những đổi thay của tình người, của đất trời tạo vật.
Nay ta nhìn kỹ mùa xuân mới
Trải chiếu ngồi yên với núi sông!
Ngày hết Tết đến, người Việt hay biếu tặng cho nhau những đòn bánh Tét, những cặp bánh Chưng, hoặc những quả dưa hấu, những hộp bánh mứt ngọt ngào, với ước mong người được nhận suốt năm sẽ gặp quả lành phúc lạc. Nhưng, càng có ý nghĩa hơn nếu kẻ cho và người nhận biết mở lòng tha thứ, mỉm cười cảm thông để những ghét ganh, hờn giận, nghi kỵ chia rẽ không còn trong tâm thức! Được vậy thì cơ hội đón xuân mới ngập tràn ý nghĩa và ngay trong cõi đời này vẫn đó mùa xuân an lạc!
Những ngày đầu của năm mới, thiển nghĩ, với những ai có tầm nhìn thấu triệt, có nội lực thâm sâu, sẽ tận dụng những phút giây thù thắng này để ôn lại bao vụng về của năm cũ vừa qua. Nhắc lại chuyện cũ để rõ biết con đường mình đang đi, khắc phục những khiếm khuyết phát sinh, hầu tự nguyện phấn đấu tốt hơn trong năm mới. Hơn nữa, với người xuất gia, đón Tết vui Xuân là dịp để nhớ nghĩ về bốn ân sâu nặng: Cha mẹ, thầy tổ, quốc gia và đàn na thí chủ. Luôn ghi mãi trong trái tim mình và thể hiện bằng đời sống cao đẹp vị tha vô ngã!
Đêm giao thừa, thời khắc giao hòa của càn khôn vũ trụ, trời đất chuyển mình, tiếng chuông trống trầm hùng nơi ngôi chánh điện ngân vang, lời kinh Lăng Nghiêm nhiệm mầu nhè nhẹ rơi, không gian lắng đọng, tâm thái thanh nhàn, cảm giác bình an xuất hiện trong tôi và trong tất cả mọi người!
Xin chấp tay nguyện cầu cho thế giới chấm dứt chiến tranh loạn lạc, thiên tai dịch bệnh không còn. Mọi người trân kính tôn trọng nhau như con cháu một nhà và những hành xử từ ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý đều tương dung với tâm từ bi của chư Phật!!!
Chùa Phật Đà, 20/01/2014
TK Thích Thiện Hữu